Lời khuyên của các chuyên gia tâm lý rằng, cha mẹ thay vì ra “chỉ thị” đối với con mà nên là người đưa ra định hướng, chỉ dẫn sao cho phù hợp với tính cách và khả năng của con. Bên cạnh đó, cũng đừng quên thường xuyên hỏi han và trao đổi với trẻ để biết được điều mà con mong muốn làm để có sự điều chỉnh hợp lý cho cả cha mẹ lẫn con cái.
Hãy dành lời khen ngợi, động viên con đúng lúc khi trẻ hoàn thành tốt công việc được giao. Ảnh: Xinhua
Thất hứa
Thường xuyên thất hứa với trẻ nhỏ là điều đặc biệt tối kỵ khi điều này có thể ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách sau này của con. Việc cha mẹ hứa xuông hay không thực hiện lời hứa của mình sẽ khiến các bé hụt hẫng, chán nản, thất vọng và thậm chí là mất lòng tin ở chính cha mẹ mình.
Vì thế, các bậc phụ huynh hãy cân nhắc trước khi đưa ra lời hứa và cố gắng hoàn thành nó. Nếu vì một lý do nào bất khả kháng không hoặc chưa thể thực hiện được hãy trò chuyện, giải thích để trẻ nhỏ hiểu. Đồng thời có thể cùng trẻ tìm ra phương thức khác để bù đắp cho lời hứa trước đó. Đây cũng là cách dạy trẻ có trách nhiệm trong từng lời nói ra của mình.
Đặt kỳ vọng lớn
Việc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng lớn vào con sẽ khiến các bé gặp không ít áp lực. Hãy chỉ nên động viên và đưa ra mục tiêu nhằm khuyến khích con nỗ lực đạt được. Đừng biến thành tích trở thành trách nhiệm của con. Điều này sẽ khiến trẻ mệt mỏi, áp lực và sẽ khiến tinh thần của con trở nên giảm sút và không con hào hứng trong việc học tập.
Cha mẹ nên ủng hộ và đưa ra lời khen ngợi kịp thời nếu trẻ đạt được điểm hay thành tích tốt trong học tập. Đồng thời, hãy cho trẻ biết rằng, cha mẹ không bắt ép cũng như không cần con phải đạt thành tích quá cao, vượt ngoài khả năng của mình mà chỉ cần trẻ có ý thức cố gắng hết sức trong việc và đạt kết quả tốt nhất có thể.
Nguồn laodong.vn