Nhân vật Dế Mèn trong tác phẩm 'Dế Mèn phiêu lưu ký' của nhà văn Tô Hoài. Minh họa: Tạ Huy Long
Mèn hốt hoảng. Nhưng sáng kiến của Chim Én rất giản dị: Hai Chim Én ngậm hai đầu của một cọng cỏ khô. Mèn ngậm vào giữa. Thế là cả ba cùng bay lên. Mây nồng nàn, đất trời gợi cảm, cỏ hoa vui tươi.
Dế Mèn say sưa. Sau một hồi lâu miên man Mèn ta chợt nghĩ bụng: “Ơ hay, việc gì ta phải gánh hai con én này trên vai cho mệt nhỉ. Sao ta không quăng gánh nợ này đi để dạo chơi một mình có sướng hơn không?”. Nghĩ là làm. Nó bèn há mồm ra và nó rơi vèo xuống đất như một chiếc lá lìa cành.
(Theo Đoàn Công Huy trong mục “Trò chuyện đầu tuần” của Báo Hoa học trò)
Sống trong cuộc sống, mỗi con người đều có một số phận riêng, một cách cảm, cách nghĩ riêng. Và trong văn học cũng có biết bao câu chuyện kì thú, hấp dẫn, được kể bằng văn xuôi hoặc văn vần tái hiện những hình tượng đó và nêu lên những triết lí nhân sinh, bài học sâu sắc trong cuộc sống.
Câu chuyện “Chim Én và Dế Mèn”, trong mục “Trò chuyện đầu tuần”, trích từ Báo Hoa học trò của nhà văn Đoàn Công Huy cũng mang đến cho độc giả một cảm nhận vô cùng sâu sắc, hấp dẫn như thế. Đặc biệt qua nhân vật Dế Mèn ta càng thấm thía hơn nhiều bài học trong cuộc sống.
Câu chuyện ngắn gọn, hấp dẫn kể về một cuộc dạo chơi trên bầu trời của Chim Én và Dế Mèn. Khi mùa Xuân tươi đẹp đã đến, Dế Mèn buồn chán, thơ thẩn ở cửa hang. Hai chú Chim Én thấy vậy liền nảy ra sáng kiến: Hai Chim Én ngậm hai đầu của một cọng cỏ khô, Mèn ngậm vào giữa rồi bay lên trời.
Cả ba vô cùng vui vẻ, tận hưởng khoảnh khắc hạnh phúc của mình. Mây nồng nàn, đất trời gợi cảm, cỏ hoa vui tươi. Một hồi sau, nó tưởng răng mình phải gánh trên vai hai con Chim Én này, thế là nó há mồm ra và rơi vèo xuống đất như một chiếc lá lìa cành.
Câu chuyện mang dáng dấp như một câu chuyện ngụ ngôn đã nói về cách sống của các loài vật trong thiên nhiên với những đặc tính của nó. Hai con Chim Én đã tốt bụng tặng Dế Mèn một món quà thật tuyệt vời là một chuyến thưởng ngoạn khung cảnh mùa Xuân tươi đẹp, ấm áp.
Nhà văn Tô Hoài khẳng định “Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác”. Và hình ảnh của nhân vật ấy sống mãi trong lòng bạn đọc là nhờ tài năng của tác giả đã tạo ra những đặc điểm riêng biệt, ấn tượng để nhân vật ấy có nét độc đáo, nét khác biệt so với các nhân vật khác.
Chim Én là con vật biết bay, thế nên chúng thấy tội nghiệp cho Dế Mèn không được tận hưởng không gian bao la của mùa Xuân đất trời. Tình yêu thương bạn bè đã khiến chúng nghĩ ra sáng kiến để cả ba cùng bay thưởng thức cảnh trời đất gợi cảm.
Tiếc thay Dế Mèn lại không biết trân trọng món quà ấy. Sự hạn hẹp trong cách nhìn, ích kỉ trong cách nghĩ “Ơ hay, việc gì ta phải gánh hai con én này trên vai cho mệt nhỉ. Sao ta không quăng gánh nợ này đi để dạo chơi một mình có sướng hơn không?” đã đẩy Mèn tới hành động “há mồm ra”.
Từ người chịu ơn, Mèn đã ảo tưởng mình là người ban ơn. Từ việc mình là gánh nặng cho người khác Mèn ta tưởng người khác chính là gánh nặng của mình. Lòng ích kỷ, tính toán và ngộ nhận, ảo tưởng khiến Dế Mèn phải trả giá rất đắt “nó rơi xuống đất như một chiếc lá lìa cành”.
Với cách quan sát, lí giải sâu sắc của tác giả, những con vật nhỏ bé này cũng có tâm trạng giống con người, làm tô đậm thêm bài học nhân sinh con người. Không chỉ là sự ngộ nhận, ảo tưởng, nhân vật Dế Mèn trong câu chuyện còn được khắc họa là kẻ có tính cách, hành động nhỏ nhen, chỉ nghĩ cho bản thân mà không màng đến lợi ích của người khác.
Rõ ràng những kẻ như vậy ắt sẽ gặp những kết cục thê thảm, không đạt được ước mơ hay điều mà bản thân mong muốn. Có thể do sống trong một cái hang nhỏ hẹp, tầm nhìn hạn hẹp, ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên nó đã cho mình cái lối sống cũng thực dụng.
Qua câu chuyện, tác giả đã khắc họa nhân vật Dế Mèn đại diện cho kiểu người vô ơn, thiếu trân trọng những người đã giúp mình, ảo tưởng, cho rằng bản thân gánh mọi trách nhiệm trên vai...
Đó còn là những người suy nghĩ bồng bột, ngu ngốc mà cứ tưởng bản thân rất giỏi, quên đi những người đã giúp đỡ mình để đạt được thành công, mục đích, quên đi những công lao cao cả của họ.
Cũng từ đó câu chuyện cảnh tỉnh mọi người nói chung đặc biệt là thế hệ trẻ nói riêng đừng quá ảo tưởng về bản thân mình và không nên sống ích kỷ, toan tính. Cần xác định mình là ai và giúp đỡ người khác một cách không vụ lợi chắc chắn bạn sẽ nhận được nhiều hơn những thứ bạn đã cho đi.
Có thể nói câu chuyện ngắn gọn, hấp dẫn với cách kể chuyện tự nhiên, lối nói ẩn dụ nhưng lại mang ý nghĩa thật sâu sắc. Mỗi người đều có thể học được câu chuyện về giá trị cuộc sống. Nếu biết trân trọng những gì mình đang có thì sẽ cảm nhận được giá trị đích thực của cuộc sống.
Nếu không biết trân trọng những gì mình đang có sẽ rất khó có được hạnh phúc thậm chí còn gặp bất hạnh. Hạnh phúc còn tùy thuộc vào cách ứng xử và thái độ sống của mỗi người. Đó cũng có thể là câu chuyện về niềm tin: Lòng tốt là đáng quý, nhưng niềm tin còn đáng quý hơn.
Phải chăng chỉ khi con người tin tưởng lẫn nhau thì cuộc sống mới thoải mái và nhẹ nhàng hơn, và đó có thể là bài học về cách nhìn, cách cảm nhận: Với cách nhìn thiếu cẩn thận, hời hợt ta sẽ không phát hiện đúng bản chất của cuộc sống, dẫn đến những quyết định sai lầm mà ta sẽ nhớ suốt đời.
Đó là bài học về lòng khoan dung, có thể cho và nhận. Cho và nhận đều luôn chuyển hóa: Tưởng rằng cho đi nhưng lại được nhận lại và ngược lại. Đó có thể là bài học về sự hợp tác và chia sẻ, nếu biết hợp tác và chia sẻ thì mọi người đều có lợi…
Vậy mà trong cuộc sống, một số người lại có cách sống toan tính, ích kỷ như Dế Mèn. Câu chuyện đó đã làm ta thay đổi trong cách sống để con người sống tốt đẹp hơn.
Phải biết giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, lan tỏa tình yêu thương, quan tâm, chia sẻ để không ai bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh xã hội đang đi lên như hiện nay nhất là những người trẻ tuổi, bạn nhé!
----------------
*Bài làm minh họa của học sinh.
Nguồn baomoi.com