Tại đại ngàn Vườn Quốc gia Pù Mát - miền Tây Nghệ An có sự hiện diện của một cây sa mu dầu hơn 2.000 năm tuổi, được đánh giá là "cụ" sa mu dầu thọ nhất Việt Nam.
Ba ngày trời ròng rã theo chân lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Pù Mát và nhóm chuyên trách bảo vệ rừng, trải nghiệm cùng họ cảm giác "ăn sương nằm gió", băng qua vô số khe suối, vách đá dựng đứng, chúng tôi có mặt tại thượng nguồn Khe Bu (xã Châu Khê, huyện Con Cuông), tận thấy "cụ" sa mu dầu có tuổi thọ lớn nhất Việt Nam thời điểm hiện tại.
Cây sa mu dầu hơn 2.000 năm tuổi
Phó Giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Pù Mát, ông Lê Anh Tuấn thông tin, cây sa mu dầu ước tính có tuổi đời hơn 2.000 năm, gần chục người ôm mới xuể. Cây được một nhóm chuyên gia về đa dạng sinh học phát hiện năm 1998, tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, từ trung tâm thị trấn Con Cuông phải lội bộ 3 ngày mới có thể tiếp cận.
Cây sa mu dầu phải gần chục người ôm mới xuể
"Cụ" sa mu dầu có chiều cao hơn 70m, đường kính thân hơn 5,5m, được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là “Cây di sản Việt Nam” vào tháng 10/2020" - ông Tuấn nói.
Cây sa mu dầu có chiều cao hơn 70m
Cây sa mu dầu có tên khoa học là Cunninghamia konishii Hayata, được bà con dân tộc Thái bản địa gọi là cây Mậy Pẹc. Đây là loài cây quý hiếm, chủ yếu phân bố trong vùng lõi những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn dọc theo biên giới Việt - Lào, với độ cao trên 1.000m so với mực nước biển.
Tại Việt Nam, sa mu dầu chỉ phân bố hẹp với số lượng hạn chế ở một số vùng thuộc các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An.
Tháng 10/2020 cây sa mu dầu được công nhận là “Cây di sản Việt Nam”
Sa mu dầu là nguồn gen quý hiếm, được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Loài cây này không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học, mà còn có giá trị kinh tế rất cao. Gỗ sa mu dầu là loại gỗ quý, nhóm 1, nhẹ nhưng bền, ít mối mọt, có mùi thơm đặc trưng, hoa vân, màu sắc đẹp.
Bạt ngàn cây cổ thụ trong rừng Pù Mát
Đại ngàn Vườn Quốc gia Pù Mát - vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, trải dài với hơn 95.000 ha rừng nguyên sinh, hàng nghìn loài thú, chim, bò sát... Diện tích rộng lớn, tính đa dạng sinh học cao, lâm tặc luôn trong trạng thái nhăm nhe chực chờ sơ hở, cuộc chiến của những người giữ rừng, cũng như bảo vệ "cụ" sa mu dầu "khủng" nhất Việt Nam chưa phút giây nào ngừng nghỉ.
Để được tuyển vào đội hình bảo vệ rừng chuyên trách, ứng viên phải là những người có sức khỏe vượt trội, sức bền phi thường, có kỹ năng đi rừng, chấp nhận "ăn sương nằm gió" với những chuyến tuần tra dài ngày nơi "thâm sơn cùng cốc" lạnh thì đến thấu xương, nắng đạt mức cháy da cháy thịt.
Gian nan hành trình giữ rừng
Mỗi tháng, với hành trang là bản đồ, máy định vị, đèn, bật lửa, thuốc men, gùi thêm hàng chục kg nhu yếu phẩm như võng, màn, gạo, nước mắm, cá khô… những người giữ rừng phải lặn lội, ăn ngủ trong rừng với ít nhất 2 chuyến tuần tra kéo dài cả tuần lễ. Trước lúc lên đường, đối diện với họ là những gương mặt lâm tặc không xa lạ, những kẻ săn bắn thú rừng với súng tự chế luôn thường trực ngang hông; là muỗi, vắt, rắn, rết... nơi bạt ngàn núi rừng hoang vu đang đón đợi.
Hiểm nguy rình rập các cán bộ kiểm lâm Pù Mát
Mỗi nhóm khoảng 6 - 8 người, với nòng cốt là lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách và kiểm lâm thuộc Vườn Quốc gia Pù Mát. Họ không nhớ nổi đã sải bước chân kiên định băng qua biết bao những cánh rừng già, khe suối, ghềnh đá cheo leo. Ngày mải miết những bước chân không nghỉ, tối mắc võng chợp mắt giữa rừng sâu hun hút. Hiểm nguy rình rập ám ảnh những người giữ rừng ngay cả trong những giấc mơ.
Mỗi chuyến tuần tra của đội bảo vệ rừng thường kéo dài cả tuần lễ
Phó Giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Pù Mát, ông Lê Anh Tuấn cho hay, cuộc chiến bảo vệ rừng, bảo vệ quần thể cũng như “cụ” sa mu dầu lớn nhất Việt Nam dẫu khó khăn, nhưng anh em trong đội chưa một phút giây lơi là.
"Hết sức cần thiết phải bảo vệ cụ sa mu dầu hơn 2.000 năm tuổi để phục vụ công tác bảo tồn, phát triển nguồn gen quý của loài cây này" - ông Tuấn nói.
-> Ngược biên giới gặp anh nông dân hiến tặng 4.000m2 đất xây trường
Quang Minh - Anh Tuấn
Nguồn giadinhonline.vn