Sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố có khoảng 27,2 kg thủy ngân phát tán ra môi trường sau vụ cháy, nhiều người dân đã kéo đến trụ sở yêu cầu đối chất với lãnh đạo Công ty CP Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông.
Ngày 5-9, UBND TP Hà Nội đã tổ chức cuộc họp liên quan đến vụ cháy tại Công ty CP Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông (gọi tắt là Công ty Rạng Đông). Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị Công an TP chỉ đạo Cơ quan CSĐT khẩn trương trưng cầu các cơ quan chuyên môn giám định, sớm kết luận nguyên nhân vụ cháy; trưng cầu cơ quan độc lập để điều tra mức độ ô nhiễm.
Cần có kết quả chính xác
Thượng tá Nguyễn Xuân Trường, Phó trưởng Phòng PC02 (Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội), cho biết bước đầu nhận định có thể do một bóng đèn trên tầng 3 của kho hàng được bật liên tục gây cháy rơi xuống thùng carton đựng hàng dẫn đến vụ hỏa hoạn. Các tủ bảo quản hóa chất (tầng 1 kho chứa hàng) vẫn còn nguyên vẹn".
Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), sau vụ cháy chỉ cơ quan này mới có thiết bị hiện đại, "bẫy" được hàm lượng thủy ngân và khuyến cáo phòng ngừa rủi ro. Về trách nhiệm, ông Thức cho rằng Công ty Rạng Đông phải chịu trách nhiệm đầu tiên vì đã để xảy ra sư cố, kể cả sau này khi các cơ quan chức năng xác định được các mức độ thiệt hại, bồi thường.
Ông Nguyễn Đức Chung đề nghị Công an TP chỉ đạo thu thập tài liệu nhập khẩu, nguồn gốc, xuất xứ các hóa chất amagal và thủy ngân lỏng để sớm biết được thiệt hại. Để giải quyết những vấn đề còn khác nhau về hàm lượng thủy ngân lỏng và amagal phát tán ra môi trường, đề nghị Công an TP Hà Nội không xử lý vấn đề theo hướng hành chính, phải chính thức ra quyết định trưng cầu cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành; trưng cầu cơ quan độc lập để đưa ra kết quả chính xác nhất.
Hiện trường vụ cháy Công ty Rạng Đông đang gây lo lắng cho người dân trong khu vựcXử lý rất chậm
Ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, cho rằng khối lượng thủy ngân đã phát tán ra ngoài môi trường như Bộ TN-MT đã công bố là phù hợp với Quy chuẩn 05 và 06 Việt Nam về quy chuẩn quốc gia về môi trường. Còn số liệu cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dùng làm căn cứ, xác định để có những đề xuất cho những sự cố xảy ra.
Theo PGS-TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học ĐHQG Hà Nội, trong vụ việc này, vấn đề phát hiện, phản ứng, xử lý của các cơ quan chức năng rất chậm, cụ thể là Sở TN-MT, UBND TP Hà Nội cũng như Bộ TN-MT. Nếu nhìn nhận được nguy cơ phát tán thủy ngân từ sớm thì ngay sau khi vụ cháy được dập tắt, cơ quan chức năng phải nhanh chóng vào cuộc thống kê, kiểm tra cho ra số liệu để cảnh báo. Tuy nhiên, chỉ khi UBND phường Hạ Đình ra văn bản khuyến cáo nhưng lại bị UBND quận Thanh Xuân thu hồi, kiểm điểm ngay sau đó thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Sau gần 1 tuần, Công ty Rạng Đông mới tiến hành che bạt thì đã quá muộn.
Nói về động thái thu hồi văn bản do "không đúng thẩm quyền và chưa đủ cơ sở" của UBND quận Thanh Xuân, GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng về lý thì việc đưa ra khuyến nghị của UBND phường Hạ Đình là chưa đúng, bởi cần phải dựa trên những số liệu cụ thể mới nên đưa ra thông báo khuyến nghị nhưng về tình thì cán bộ phường đang thể hiện sự lo lắng cho người dân trên địa bàn, cần hoan nghênh tinh thần kịp thời đưa ra cảnh báo đối với người dân.
Còn PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), nhận định vụ cháy là sự cố rủi ro xã hội nên ai cũng có quyền khuyến cáo trong sự hiểu biết, nhận định của mình. "Tôi không tin được là có quyết định thu hồi khuyến nghị người dân. Đây là quyết định vội vàng sau sự cố, tôi hoan nghênh thông báo về xử lý môi trường sau cháy của cán bộ phường Hạ Đình là kịp thời, để toàn dân cùng biết là cần thiết" - vị chuyên gia nói.
Ngày 5-9, hàng chục người dân sống xung quanh khu vực Công ty Rạng Đông mang theo đơn, thư cầu cứu và kéo đến trụ sở công ty đòi đối thoại vì những lo lắng về môi trường, sức khỏe sau vụ cháy. Họ cho rằng cuộc sống của hàng ngàn người bị đảo lộn, lo ngại sức khỏe bị ảnh hưởng nhưng không thể di dời nơi khác.
Phải theo dõi sức khỏe người liên quan
Chiều 5-9, Bộ Y tế đã họp với đại diện một số bệnh viện, Sở Y tế Hà Nội và vụ, cục chức năng liên quan sau vụ cháy. Tại cuộc họp này, Bộ Y tế khuyến cáo những người trực tiếp tham gia chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, xử lý môi trường tại khu vực xảy ra cháy, người lao động của công ty cần được khám sức khỏe để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trong những ngày qua có khoảng 100 người đã đến Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra sức khỏe với biểu hiện chung là đau đầu, chóng mặt, tức ngực. Kết quả xét nghiệm máu 82 người có nồng độ thủy ngân dưới 10 mcg/l, hơn 20 mẫu khác đang được xét nghiệm. Cùng đó, mẫu máu của các bệnh nhân này cũng được gửi đến Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kiểm tra. Kết quả mức thủy ngân trong máu các bệnh nhân đều trong ngưỡng cho phép, theo tiêu chuẩn Việt Nam. |
Nguồn xahoi.com.vn