Trần Thị Ngọc Trinh (người mẫu Ngọc Trinh, 34 tuổi, ở quận 7, TPHCM) đã bị VKSND TPHCM truy tố về tội Gây rối trật tự công cộng theo khoản 2, Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015. Liên quan tới vụ án, Trần Xuân Đông (36 tuổi, ở quận 4) bị truy tố về tội danh trên và tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Theo cáo trạng, Ngọc Trinh được áp dụng một tình tiết giảm nhẹ là "người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải" cùng một tình tiết tăng nặng là "phạm tội 02 lần trở lên".
Với những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như trên, độc giả băn khoăn Ngọc Trinh có thể bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật.
Xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp nào?
Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử lý hành chính, xử lý hình sự nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng. Trường hợp hành vi thuộc các tình tiết định khung quy định tại khoản 2 Điều này như có tổ chức; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hay tái phạm nguy hiểm... khung hình phạt áp dụng sẽ là 2-7 năm tù giam.
Về việc tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các Điều 51, 52 Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định về những trường hợp áp dụng tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ dành cho người bị kết tội. Còn theo quy định tại Điều 54 Bộ luật này, Tòa án có thể quyết định mức phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015.
Trong trường hợp người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm và có vai trò không đáng kể, mức phạt có thể không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề còn nếu điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc mức phạt bị truy tố là mức nhẹ nhất, Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất hoặc chuyển sang một hình phạt khác nhẹ hơn. Lý do giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.
Số phận pháp lý của Ngọc Trinh-1 Mô tô tang vật trong vụ án (Ảnh: Công an cung cấp).
Đối chiếu với trường hợp của Ngọc Trinh, luật sư Lực nhìn nhận theo nội dung cáo trạng truy tố, bị can mới được áp dụng một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và chưa đủ cơ sở để xem xét áp dụng quy định về xét xử với mức phạt dưới khung hình phạt bị truy tố. Để được áp dụng quy định này, phía bị can cần tiếp tục thu thập các tài liệu, hồ sơ, chứng cứ để Tòa án có thể ghi nhận làm tình tiết giảm nhẹ như Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; Lập công chuộc tội hay Có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập, công tác...
Trường hợp xét thấy người phạm tội có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, Tòa án có thể xem xét áp dụng quy định tại Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015 để xem xét tuyên mức án dưới khung hình phạt bị truy tố. Nếu không có đủ các tình tiết giảm nhẹ, khung hình phạt 2-7 năm tù vẫn sẽ được áp dụng.
Có thể xin án treo hay không?
Đối với quy định về án treo, theo Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015, nếu người phạm tội bị xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân cũng như các tình tiết giảm nhẹ của họ, nếu xét thấy không cần bắt chấp hành hình phạt tù thì tòa án có thể cho hưởng án treo, ấn định thời gian thử thách 1-5 năm và buộc thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Còn tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự, người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo nếu có đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, mức phạt tù họ phải chấp hành không quá 3 năm;
Thứ hai, người phạm tội có nhân thân tốt, tức ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc;
Thứ ba, người phạm tội có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 như người phạm tội là phụ nữ có thai; người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự thú hay đã lập công chuộc tội…
Bên cạnh đó, người phạm tội cũng phải không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào quy định tại khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015. Trong trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng từ 2 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 1 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự.
Thứ tư, người phạm tội có nơi cư trú rõ ràng (tức nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể mà người đó sinh sống, cư trú thường xuyên) hoặc có nơi làm việc ổn định (tức nơi họ làm việc có thời hạn từ 1 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền) để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.
Thứ năm, HĐXX xét thấy không cần bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Đối chiếu trường hợp của Ngọc Trinh, theo luật sư Giáp, người mẫu hiện bị truy tố với khung hình phạt 2-7 năm tù, có một tình tiết tăng nặng và một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Với những tình tiết nêu trên, không có cơ sở để Tòa án xem xét án treo cho Ngọc Trinh.
Để đáp ứng điều kiện cần để xin án treo, nữ bị cáo cần thu thập thêm ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đồng thời phải được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét tuyên mức án có thời hạn không quá 3 năm tù. Trường hợp người phạm tội kháng cáo và có thêm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới, Tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét, đánh giá tổng thể về các điều kiện để xem xét có cho hưởng án treo hay không.
Theo Dân trí
Xem thêm tin tức mới nhất của sao viet được cập nhật 24/7
Nguồn giadinhonline.vn