Gặp khó khi thu hồi 9.700 tỷ đồng liên quan vụ Hứa Thị Phấn

  • 27/12/2022 09:41:07

(Dân trí) - Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự nêu khó khăn thu hồi tài sản khi vụ Hứa Thị Phấn còn phải thi hành trên 9.700 tỷ đồng, vụ Phạm Công Danh có vướng mắc các lô đất ở sân vận động Chi Lăng.

 

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 26/12, đại diện Bộ Tư pháp khẳng định, hệ thống thi hành án dân sự đã hoàn thành vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao. Thể chế về thi hành án tiếp tục được hoàn thiện, kịp thời giải quyết một số tồn tại, vướng mắc về ủy thác, góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả xử lý tài sản thi hành án, nhất là việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.

Kết quả, thi hành xong về tiền đạt trên 75.000 tỷ đồng, tăng trên 64% so với năm 2021, trong đó, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt khoảng 16.000 tỷ đồng, tăng gần 12.000 tỷ đồng so với năm 2021. Số tiền thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng cũng tăng gần 24% so với năm 2021.

Gặp khó khi thu hồi 9.700 tỷ đồng liên quan vụ Hứa Thị Phấn

Ông Nguyễn Thắng Lợi - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 26/12 (Ảnh: Thế Kha).

Vụ Hứa Thị Phấn còn phải thi hành trên 9.700 tỷ đồng

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về những vụ án có số tiền phải thu hồi rất lớn nhưng đang không/chưa thu hồi được, ông Nguyễn Thắng Lợi - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự khẳng định năm 2022 toàn ngành đã thực hiện rất nhiều biện pháp, giải pháp để thi hành các bản án có hiệu lực pháp luật.

Dù vậy vẫn còn rất nhiều vụ án lớn đang gặp vướng mắc, khó khăn trong thu hồi tài sản. Đơn cử như xử lý tài sản là các lô đất tại khu phức hợp thương mại sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) trong vụ án Phạm Công Danh. Số tiền phải thi hành án lên tới 4.132 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là quỹ đất tại dự án sân vận động Chi Lăng nhưng việc xử lý các khu đất ở đây đang gặp nhiều khó khăn.

Những dãy nhà nằm trên "đất vàng" sân vận động Chi Lăng liên quan đại án Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh của Phạm Công Danh đang được Đà Nẵng dỡ bỏ để bàn giao mặt bằng cho Cục Thi hành án (Ảnh: Hoài Sơn).

"Hay như trong vụ Hứa Thị Phấn đã tổ chức thi hành được gần 7.000 tỷ đồng nhưng vẫn phải thi hành trên 9.700 tỷ đồng nữa, cũng đang gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản kê biên tại dự án Bệnh viện đa khoa Phú Mỹ. Dự án đang triển khai dở dang thì các cơ quan tố tụng kê biên để đảm bảo thi hành án, không đủ điều kiện để chuyển nhượng dự án theo quy định pháp luật", ông Lợi nói.

Trong vụ việc này, Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo Cục Thi hành án TPHCM phối hợp ban ngành, địa phương để có biện pháp xử lý cho phù hợp.

Theo ông Lợi, năm 2023, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp để xử lý tài sản kê biên đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật; phối hợp với các cơ quan liên quan để xác minh, làm rõ hiện trạng, tình trạng pháp lý tài sản để đẩy nhanh tiến độ thu hồi tiền cho Nhà nước.

"Hàng tháng, hàng quý, chúng tôi đều họp, nghe các vụ việc có điều kiện thi hành án lớn, đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra ở các địa phương chưa thực hiện được. Trực tiếp tổ chức làm việc với các địa phương để thúc đẩy, tiến hành thu hồi nhanh tài sản tham nhũng trong các vụ án lớn như báo chí đã nêu", ông Nguyễn Thắng Lợi thông tin.

Đang làm rõ ồn ào thi hành án

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Thắng Lợi đã trả lời về lùm xùm thi hành án tại Công ty CP Đầu tư và Du lịch Bình Tiên (huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) được nhiều cơ quan báo chí phản ánh thời gian qua.

Đây là vụ việc mà Cục Thi hành án dân sự tỉnh Ninh Thuận đã ra quyết định thi hành án theo yêu cầu của ông Nguyễn Nam Linh (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Việc tổ chức thi hành án được căn cứ theo Bản án số 01/2022 của TAND tỉnh Ninh Thuận, Bản số 46/2022 của TAND Cấp cao tại TPHCM, Công văn số 1231/2022 của TAND Cấp cao tại TPHCM.

Dự án đầu tư xây dựng khu du lịch Bình Tiên của Công ty CP Đầu tư và Du lịch Bình Tiên (Ảnh: Pháp luật Việt Nam).

Theo đó, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Ninh Thuận cho thi hành án đối với Công ty CP Đầu tư và Du lịch Bình Tiên; người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch HĐQT.

Các khoản phải thi hành án gồm, buộc Công ty CP Đầu tư và Du lịch Bình Tiên phải thi hành án các nghĩa vụ: Hủy bỏ nghị quyết của Đại hội cổ đông công ty do bà Dương Thị Thu Hà triệu tập ngày 29/3/2019. Các cổ đông sáng lập được quyền tiếp tục góp vốn theo quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Nam Linh là một trong các cổ đông sáng lập được tiếp tục góp vốn vào Công ty CP Đầu tư và Du lịch Bình Tiên theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cấp. Trong đó, vốn điều lệ công ty là 600 tỷ đồng, ông Nguyễn Nam Linh góp vốn 27% trên số vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Tính đến ngày 10/2/2018, ông Linh đã góp vốn với số tiền 6,9 tỷ đồng vào công ty này.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Nam Linh phản ánh đã nhiều lần đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc yêu cầu Công ty Bình Tiên tuân thủ phán quyết của tòa phúc thẩm, phải cung cấp tài khoản để ông Linh thực hiện quyền góp vốn và xác nhận việc chuyển tiền góp vốn theo đúng quy định pháp luật. Dù vậy mọi việc đều rơi vào im lặng.

Sau khi nhận được đơn thư phản ánh, Tổng cục Thi hành án dân sự đã ra thông báo thụ lý giải quyết, tiến hành xác minh vụ việc. "Tới đây, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ có kết quả giải quyết gửi tới các cơ quan liên quan", ông Lợi cho hay.

Nguồn dantri.com.vn

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Gặp khó khi thu hồi 9.700 tỷ đồng liên quan vụ Hứa Thị Phấn - Xã Hội

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều