Đưa nhạc Việt ra thế giới: Phải chăng vẫn chỉ là mơ ước?

  • 27/05/2023 09:46:28

Thời gian gần đây, có nhiều ca sĩ, ca khúc của Việt Nam tạo được ấn tượng tốt, thậm chí 'gây sốt' ở nước ngoài. Điều này mở ra hy vọng đưa nhạc Việt ra thị trường thế giới một cách bài bản hơn.

 

Đưa nhạc Việt ra thế giới: Phải chăng vẫn chỉ là mơ ước?

Những liên hoan âm nhạc quốc tế như “Gió mùa” được xem là cơ hội để các nghệ sĩ Việt học hỏi, cọ xát, chuẩn bị ra thế giới.Vẫn chỉ là hiện tượng?

Cùng với việc ngôi sao giải trí Chi Pu tham gia show truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc “Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng 2023”, ca khúc “See tình” do nhóm sản xuất âm nhạc DTAP gồm 3 thành viên - gồm Thịnh Kainz, Kata Trần và Tùng Cedrus sáng tác lại “gây sốt” ở nước bạn. Trước đó, ca khúc này qua phần thể hiện của Hoàng Thùy Linh đã gây ấn tượng mạnh ở nhiều quốc gia, thậm chí được nhiều ngôi sao nước ngoài hát lại.

Cũng tại thị trường giải trí Hoa ngữ, các ca khúc “Dạ vũ”, “Bên trên tầng lầu” và “Ngây thơ” của Tăng Duy Tân đã phủ sóng mạng xã hội. Đặc biệt, ca khúc “Ngây thơ” mà Tăng Duy Tân cùng nữ ca sĩ Huang Ling hát bằng tiếng Trung đã thu về hơn 10 tỷ view trên Douyin, góp mặt tại QQ Music - bảng xếp hạng âm nhạc hàng đầu Trung Quốc. Ngoài ra, còn có thể kể đến các ca khúc như “Hai phút hơn” của Pháo, “Tình bạn diệu kỳ” (AMEE), “Cứ chill thôi” (Chillies, Rhymastic và Suni Hạ Linh), “Bigcityboi” (Binz)... cũng có độ phủ sóng rộng khắp mạng xã hội Trung Quốc và được một số ca sĩ nổi tiếng của nước bạn hát lại.

Đầu tháng 5 vừa qua, Sơn Tùng M-TP phát hành ca khúc “Making my way”, đánh dấu sự trở lại sau một năm vắng bóng. Việc ra mắt một ca khúc hoàn toàn bằng tiếng Anh được xem là động thái của Sơn Tùng nhằm hướng tới thị trường quốc tế. Nam ca sĩ này rất quyết tâm thực hiện điều đó, Sơn Tùng từng chia sẻ: “Tôi rất muốn đứng cạnh nghệ sĩ quốc tế và nói với họ rằng Việt Nam có rất nhiều nghệ sĩ tài năng, do đó các bạn hãy chú ý đến Việt Nam".

Việc một số ca sĩ trẻ tham gia các show âm nhạc tại nước ngoài, phát hành sản phẩm âm nhạc ở các nền tảng quốc tế hay nhiều ca khúc Việt gây sốt các mạng xã hội liệu có phải là dấu hiệu cho thấy nhạc Việt đã sẵn sàng "chinh chiến" ở nước ngoài? Thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng đây mới chỉ là những hiện tượng đơn lẻ. Doanh thu của nhạc Việt trên thị trường thế giới, kể cả với những bản hit vừa qua, cũng rất thấp vì nhiều lý do, trong đó có việc các nghệ sĩ Việt chưa được đánh giá cao, chưa có chiến lược tiến ra thế giới một cách bài bản.

Cần nhìn vào thực tế

Liên quan tới tham vọng “tấn công” vào các thị trường âm nhạc đình đám của thế giới như Mỹ, Trung Quốc, mới đây, nhạc sĩ Quốc Trung đã bày tỏ ý kiến khi đánh giá thực trạng nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam. Theo ông, đến nay, âm nhạc Việt Nam vẫn “là một nền âm nhạc khép kín, trong nhiều năm không giao lưu, ước mơ hội nhập cho tới giờ vẫn là ước mơ”.

“Có rất ít nghệ sĩ của Việt Nam có khát vọng vươn xa hay mơ ước mang âm nhạc của mình ra bên ngoài. Các nghệ sĩ của chúng ta thậm chí không hiểu và không biết cách gì để có thể có được sản phẩm âm nhạc đủ sức thu hút và hội nhập với âm nhạc thế giới. Việc này dẫn tới sự hạn chế trong năng lực sáng tạo, thị trường âm nhạc phát triển mất cân đối, tài năng thui chột, tâm lý tự ti, chộp giật, không có kế hoạch phát triển bền vững. Mọi kế hoạch, định hướng phát triển thường bắt đầu từ các chiến lược PR, marketing, kinh doanh chứ rất ít chú ý tới điều cốt lõi là rèn giũa tài năng và xây dựng cá tính âm nhạc độc đáo. Điều nguy hiểm là nhiều người chủ yếu chạy theo trào lưu ngắn hạn” - nhạc sĩ Quốc Trung thẳng thắn bày tỏ.

Từ thực tế nói trên, có thể thấy việc đưa âm nhạc Việt ra thế giới phải là một phần trong chiến lược phát triển công nghiệp âm nhạc. Nghĩa là nó phải được đầu tư bài bản về nhiều mặt, từ đội ngũ đến các yếu tố kỹ thuật hỗ trợ, chính sách khuyến khích của Nhà nước... Trong đó, đội ngũ sáng tạo phải được đặc biệt chú ý. Ở những nền công nghiệp âm nhạc phát triển nhất thế giới, chẳng hạn như Hàn Quốc, đều có những quỹ, tổ chức hỗ trợ cho các nghệ sĩ trẻ mở rộng thị trường và giới thiệu sản phẩm tới các thị trường mới.

Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong việc tổ chức các sự kiện âm nhạc quốc tế, đặc biệt là Liên hoan âm nhạc quốc tế Gió mùa, nhạc sĩ Quốc Trung khẳng định: “Việc tham gia vào đời sống âm nhạc thế giới chính là cách tốt nhất để nâng cao năng lực của nghệ sĩ và chỉ có năng lực sáng tạo mới là con đường duy nhất để hội nhập và phát triển”. Và trước tiên, hãy mở cửa ra với thế giới để học hỏi, cọ xát nâng cao năng lực nghệ sĩ trước khi vững vàng ra thế giới, bởi “thị trường sẽ không mở ra cho chúng ta nếu chúng ta đóng cửa với thế giới”.

Nguồn baomoi.com

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Đưa nhạc Việt ra thế giới: Phải chăng vẫn chỉ là mơ ước? - Nhạc & Phim

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều