Trong thời gian qua, câu chuyện tình yêu như cổ tích của anh Đoàn Ngọc Bảo và chị Nguyễn Thị Lệ Thu khiến nhiều người phải trầm trồ, thán phục. Anh Đoàn Ngọc Bảo (29 tuổi, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) mất chân trái do bị mắc chứng bệnh phù chân voi, còn chị Nguyễn Thị Lệ Thu (28 tuổi, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) mất chân phải do bị tai nạn máy xúc. Tuy vậy, duyên phận đã đem họ đến bên nhau, cùng viết nên câu chuyện tình yêu thật đẹp. Hiện hai vợ chồng đã có cậu con trai Đoàn Minh Trí (20 tháng tuổi).
Hàng ngày, anh chị tất bật với công việc như bao cặp vợ chồng khác. Hiện chị Thu đang đang công việc kế toán cho một công ty ở Hà Nội, còn anh Bảo làm việc tại nhà trong căn phòng trọ rộng chừng 25 m2, nằm ở Dịch Vọng Hậu, Hà Nội. Ngoài ra, anh đang học thêm để trở thành một diễn giả, truyền động lực tích cực đến cho mọi người. Sáng sớm, anh Bảo thường nhận nhiệm vụ chở bé Minh Trí đến trường sau đó đưa chị Thu đến công ty.
"Tôi cũng tìm hiểu và lựa chọn một trường mầm non cách nhà khoảng 1km, hi vọng con thoải mái vui chơi, khám phá thế giới xung quanh và trải nghiệm nhiều điều mới mẻ", chị Thu chia sẻ.
Trước đây, do chưa làm quen được với môi trường mới nên bé Minh Trí thường hay khóc và phản đối việc tới lớp. Tuy nhiên, sau bao vất vả đồng hành cùng con, cộng thêm sự hỗ trợ của giáo viên, Minh Trí đã hoà nhập tốt với môi trường mới, với các bạn cùng lớp.
Niềm vui của anh chị đơn giản là được nhìn thấy cậu con trai vui vẻ, hoạt bát và từng ngày hạnh phúc khi được đến trường.
Sau khi cho con đến lớp, chị Thu di chuyển đến công ty làm việc, còn anh Bảo trở về nhà dựng video cho khách. Công ty cách nhà chị Thu khoảng 500 m nên việc đi lại cũng tiện lợi, không khó khăn. Cảm phục nghị lực sống của cô gái bé nhỏ, mọi người trong công ty đều yêu mến và hỗ trợ giúp chị Thu hoàn thành công việc.
Chia sẻ về những biến cố của mình với đồng nghiệp, chị Thu cho biết, ngày còn nhỏ, khi chơi cùng đám bạn gần chiếc xe máy xúc, không may chiếc xe bị lật, cán vào chân và thế rồi chân của chị phải cắt bỏ. "Tôi ngẫm nghĩ mình sinh ra bình thường, giờ mất một chân thế này sau này sẽ sống ra sao. Thế nhưng, tôi dần trấn tĩnh lại. Tôi dần lấy lại sự lạc quan, cân bằng cuộc sống của mình. Dù khuyết tật nhưng phải sống như một người bình thường, không phụ thuộc hay lệ thuộc một ai, không muốn là gánh nặng của gia đình. Vì vậy, tôi luôn lạc quan, vui vẻ", chị Thu tâm sự.
Căn phòng trọ rộng chừng 25 m2 là nơi nấu ăn, nghỉ ngơi của hai vợ chồng cũng chính là nơi làm việc của anh Bảo. "Hiện tại tôi vẫn nhận khách hàng những video bản thô để về dựng. Ngoài ra tôi vẫn đang theo đuổi lớp truyền cảm hứng, động lực cho những người khiếm khuyết", anh Bảo cho hay.
Anh Bảo luôn tâm niệm "cứ làm tốt sẽ có tương lai tốt".
Chuyện tình duyên vợ chồng của chị Thu và anh Bảo cũng rất bất ngờ. "Khi đó tôi thấy anh là một con người cùng hoàn cảnh giống mình một chân nhưng toát ra năng lượng tích cực. Tôi tò lần tìm Facebook thấy anh đa năng: giỏi bơi lội, leo núi, trượt patin bằng 1 chân. Một người khiếm khuyết như mình đi lại còn khó khăn mà cái gì anh cũng biết", chị Thu nhớ lại những ấn tượng ban đầu về anh Bảo.
"Biết tôi thích trượt patin nên anh Bảo đã gửi một chiếc giày tặng tôi. Sau nhiều lần nhắn tin qua lại, cả hai cũng chính thức gặp nhau. Tôi cảm mến từ ánh nhìn đầu tiên vì nụ cười của anh luôn rạng rỡ", chị Thu tiếp tục chia sẻ về chồng của mình. Còn trong mắt anh Bảo, chị Thu là người biết quan tâm, chia sẻ, lắng nghe.
Sau hai tháng quen nhau, chị Thu nhận lời về nhà bạn trai chơi. Điều khiến cô chút bối rối, bất ngờ khi Bảo đưa về ra mắt gia đình. Nhận được sự ủng hộ của gia đình, cả hai chính thức nên duyên vợ chồng sau gần 3 tháng quen nhau.
"Lúc cưới xong chúng tôi mới yêu nhau nhiều hơn chứ trước còn chưa có thời gian để tìm hiểu sâu. Tuy nhiên, đúng người, đúng thời điểm nên phải chốt luôn. Anh mất chân trái em mất chân phải, cả hai ta là mảnh ghép cuộc đời", vợ chồng chị Thu bày tỏ.
Sau ngày cưới, chị Thu mang bầu nên phải bỏ chân giả, chuyển sang dùng nạng. Việc di chuyển có lúc gặp nhiều khó khăn. Những lúc như vậy anh Bảo luôn bên cạnh động viên, xoa bóp chân tay cho vợ trong những ngày thai nghén.
Cả hai vợ chồng đều chỉ có một chân nên nhiều việc không làm được, phải nhờ người giúp. "Lần đang ở tuần 32 của thai kỳ, tôi bị đau bụng dữ dội sau khi ăn. Lúc này, Bảo luống cuống gọi xe cấp cứu nhưng không thể bế được tôi ra ngoài. vợ chồng tôi phải nhờ bạn bè, hàng xóm đến hỗ trợ đưa đi viện", chị Thu nhớ lại.
"Cũng thời điểm đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 công việc của hai vợ chồng tôi gặp khó khăn. Con nhỏ, không có thu nhập, có thời điểm phải nhờ hỗ trợ từ cộng đồng. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, công việc đã của hai vợ chồng tôi đã có với mức thu nhập đủ trang trải cuộc sống gia đình", chị Thu bày tỏ.
Ngoài thời gian công việc, cả hai vợ chồng dành hết thời gian cho con, dạy con những điều ở độ tuổi, đưa con đi chơi. Sau thời gian này, cả gia đình lại quây quần trong tổ ấm nhỏ, bên mâm cơm gia đình.
Dù biết cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng anh chị vẫn luôn có niềm tin vào những điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình mình. Bữa cơm tối trong căn nhà nhỏ luôn tràn ngập tiếng cười và nhiềm hạnh phúc.
"Vợ chồng tôi chẳng có ước mơ gì cao sang cho cháu, chỉ mong Minh Trí khôn lớn, trở thành người có ích cho xã hội", chị Thu bộc bạch.
Niềm hạnh phúc giản dị của anh chị là được thấy Minh Trí trưởng thành từng ngày.
Chị Thu cho rằng tiền có thể kiếm được nhưng thời gian cho con quan trọng không kém. Thời gian cho con không thể quay lại bù đắp được. Chính vì vậy vợ chồng chị dành thời gian cho Minh Trí nhiều hơn.
Minh Trí là kết tinh của tình yêu, là duyên phận nối liền cuộc đời của hai vợ chồng khuyết tật, giúp anh Bảo và chị Thu trở thành mảnh ghép hoàn hảo nhất của đời nhau. Họ cùng nhau nuôi dưỡng Minh Trí với mong ước "dù bố mẹ không hoàn hảo nhưng luôn đem lại những thứ hoàn hảo nhất cho con".
Nguồn soha.vn